Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Đưa "chuột" vào trường học





Đã rất nhiều lần cầm bút để viết về Thầy nhưng dường như bao nhiêu từ ngữ cũng không đủ để diễn tả được hết sự khâm phục, kính trọng, lòng biết ơn với Thầy. Sự chân thành, giản dị, nhiệt tình và niềm say mê, tâm huyết với "Nghề trồng người" toát lên từ lời nói đến tác phong cùng những việc làm cụ thể mà phải đến tận nơi, trò chuyện trực tiếp chúng tôi mới cảm nhận được hết. Đó là Thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh - Hà Nội. Xin được chia sẻ một bài viết trên báo Lao động Thủ đô viết về thầy mà chúng tôi rất tâm đắc...


Thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh - Hà Nội (Ảnh tiểu học Đằng Hải)


Trong khi hàng loạt các trang Web của nhiều trường đại học lớn, nhiều Sở GD-ĐT xây dựng xong để "đóng băng" thì Website của Trường tiểu học Cát Linh đã phát huy được sức mạnh của công nghệ thông tin trong trường học, điều mà ngành Giáo dục đang hướng tới trong năm học 2008 - 2009 trước xu thế hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước...

Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trường Trường TH Cát Linh (quận Đống Đa) mới thấy hết được sự lao tâm, khổ tứ và quyết tâm đưa công nghệ thông tin vào nhà trường của một nhà giáo tâm huyết với nghề. thầy say sưa nói về công nghệ thông tin, về tác dụng của nó trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường... như cái gì đó quý giá lắm, ý nghĩa lắm trong cuộc đời làm thầy của mình.

Tốt nghiệp khoa Lý, trường ĐH sư phạm Hà Nội, khoá 1979 - 1983, thầy Đỗ Quang Hợp về đầu quân dạy ở khối tiểu học. Nhiều người cho rằng thầy 'không thức thời" khi học đại học lại dạy tiểu học. Nhưng với thầy : Dạy ở đâu thì người thầy cũng cần phải có kiến thức và đạo đức để truyền đạt cho người học. Vì thế, dạy tiểu học, nhưng người thầy luôn đầu tư suy nghĩ để tìm được những cách làm mới, hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Quãng thời gian thầy về công tác tại trường tiểu học Cát Linh đã ghi dấu những cách làm đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của một nhà quản lý không bao giờ hài lòng với chính mình. Thầy nhớ lại: Năm 1998, khi tôi được điều về làm Hiệu trưởng trường TH Cát Linh, trường lớp đã ổn định, duy chỉ có thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn và đặc biệt là trường hoàn toàn trắng về công nghệ thông tin. Cả trường chưa có chiếc máy vi tính nào cả và CBGV trong trường không mấy mặn mà với lĩnh vực này, họ chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của tin học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Ban giám hiệu mua về một chiếc máy vi tính. Vừa học ,vừa làm, tôi từng bước khai thác công nghệ thông tin vào quản lý . Tôi kiên trì làm công cuộc cách mạng trong vận động CBGV nhà trường thay đổi nhận thức về công nghệ thông tin. "Mưa dầm thấm lâu", dần dần trường đã bố trí được một phòng vi tính có 16 máy để đưa vào giảng dạy môn Tin học cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Khỏi phải nói, phụ huynh học sinh và các em học sinh đã phấn khởi thế nào trước sự kiện mới lạ này của nhà tường.

Không chỉ ban giám hiệu mà CBGV trong trường cũng bị "lực hút" của công nghệ thông tin. Sức lao động bỏ ra ít hơn, hiệu quả, kế hoạch làm việc nhanh hơn, chính xác hơn đã khiến không ít ai nghĩ rằng công nghệ thông tin không cần thiết trong nhà trường.

Đến ứng dụng một cách hiệu quả

Trang bị đựơc máy móc, thầy Hợp đã ngay lập tức vừa vận động, vừa tạo điều kiện để cán bộ giáo viên trong trường được tham gia các lớp bồi dưỡng cơ bản về công nghệ thông tin. Do nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, năm 2000, trường đã nâng cấp phòng vi tính với 25 máy để đưa vào giảng dạy. Năm 2001, trong Hội thi đồ dùng dạy học của quận Đống Đa, Cát Linh xuất hiện không phải với các mô hình, đồ dùng dạy học thủ công mà là bằng phần mềm dạy học môn Toán tiểu học. "Chuyên đề " này lập tức thu hút được sự quan tâm của tất cả các trườngvà Sở GD-ĐT Hà Nội. Sau sự kiện 'đột phá" của trường TH Cát Linh, một phong trào đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã được phát động ra các trường học trong toàn quận Đống Đa... Thầy Hợp bộc bạch: Thấy việc làm của trường được đồng nghiệp đón nhận, ngành GD quan tâm, chúng tôi thấy mừng và tự nhủ phải làm tốt hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa để có thể tận dụngvà khai thác được hết các thế mạnh về CNTT trong nhà trường.

Chính bởi vậy, tháng 3/2001, website: Catlinhschool.edu.vn đã chính thức ra đời. Với sự hỗ trợ của Trung tâm mạng Bộ GD-ĐT, trang web trở nên hoàn hảo với nội dung khá phong phú và thiết thực, cung cấp những thống kê về chất lưưọng dạy và học, điểm kiểm tra định kỳ của học sinh; Giới thiệu những giáo án điện tử, sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu của giáo viên, những bài văn hay của học sinh; trao đổi về việc đổi mới phương pháp giáo dục... Từ khi có trang web, sự trao đổi và liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng tiện lợi, dễ dàng, cởi mở và thường xuyên hơn. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến Cát Linh để học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này.

Bên cạnh việc đầu tư cho trang web, thầy Hợp còn cùng Ban giám hiệu xây dựng phòng bộ môn với các phương tiện hiện đại như máy tính được nối mạng Internet và mạng LAN, máy chiếu projector, ti vi, đầu đĩa, camera 3D... Hiện nay 65% giáo viên trong trường biết sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, 30% giáo viên biết sử dụng phần mềm powerpoint để soạn giáo án, 100% giáo viên biết sử dụng Camera 3D, máy chiếu hắt... để phục vụ đổi mới dạy học. Những con chuột máy tính đã trở nên quen thuộc với cán bộ giáo viên, học sinh trường TH Cát Linh, góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường.

Năm học 2008 - 2009 được xác định là năm học CNTT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có chỉ đạo Cục CNTT cần có lộ trình cụ thể từng bậc học, để các trường tự xác định được nội dung giảng dạy tin học và ứng dụng CNTT. Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát và có kế hoạch xoá điểm trắng, vùng lõm về Internet (là những nơi đang còn rất yếu kém về ứng dụng CNTT trong ngành), cho từng cấp học, từng đối tượng, dứt điểm việc kết nối Internet ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Triển khai các phần mềm quản lý trường phổ thông và đại học. Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai ứng dụng CNTT cần gắn với việc nâng cao trình độ Tiếng Anh trong trường phổ thông.


KIỀU NGÂN (Báo Lao động Thủ đô)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét