Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Sử dụng bản đồ tư duy tại tiểu học Cát Linh


Mới đây, phóng viên báo Nhi Đồng vừa có dịp ghé thăm trường Tiểu học Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội, ngôi trường từ lâu đã nổi tiếng với phong trào thi đua học tốt, thể dục thể thao…

Từ khắp các khối lớp, không khí học tập thi đua như hiện lên trên từng khuôn mặt rạng ngời của bao bạn nhỏ. Điểm nổi bật ở trường Tiểu học Cát Linh là các bạn được tiếp cận với những trang thiết bị học tập rất là hiện đại. Ngoài học trên sách giáo khoa thông thường, trong mỗi lớp còn trang bị hệ thống máy chiếu cùng giáo án điện tử thông minh nữa chứ. Thầy hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp “bật mí” riêng với Nhi Đồng về một phương pháp dạy học mới, đó là dạy học bằng Bản đồ tư duy. Vậy bản đồ tư duy là gì? Đó chính là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi mở rộng một ý tưởng, tóm tắt ý chính một nội dung…bằng cách kết hợp sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết. Với việc học này, các bạn nhỏ của chúng mình vừa dễ học lại vừa tăng khả năng tư duy sang tạo nữa chứ. Bạn Bùi Thủy Tiên lớp 5A kể rằng: “Những buổi học đầu tiên với bản đồ tư duy còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng khi đã quen mình lại thấy giờ học này thật thú vị”

Khi Nhi Đồng đến thăm trường Cát Linh cũng là lúc không khí hoc tập của 1844 bạn nhỏ nơi đang bước vào giai đoạn “nóng bỏng” nhất. Bạn nào cũng muốn giành thật nhiều điềm tốt để đón mừng một loạt ngày lễ lớn, đó là ngày Giải phóng Thủ Đô 10 -10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11, ngày Quốc phòng toàn dân 22 – 12 … Mỗi điểm 9, 10 đỏ chói sẽ như một bó hoa đẹp kính dâng tới ông bà, bố mẹ cùng tập thể hơn 50 thầy cô giáo… Nhi Đồng tin rằng mái trường Cát Linh sẽ luôn là một bệ phóng “đủ mạnh” để đưa các bạn nhỏ của chúng mình không ngừng bay cao…

Bài: ĐĂNG TUẤN – VĂN THIỆN – PV báo Nhi Đồng

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

“Nhịp cầu sẻ chia” của trường tiểu học Cát Linh


Chúng tớ đã có nhiều dịp giới thiệu với bạn bè gần xa về trường TH Cát Linh( Đống Đa – Hà Nội) của mình.Nhưng hôm nay, chúng tớ lại muốn mời các bạn đến thăm trường tớ bằng một cách đặc biệt: lướt net và đến thăm!
Các bạn biết không, trang tin điện tử ( trang web) trường tớ đã xuất hiện từ tháng 10/2001, tức là cách đây 9 năm rồi cơ đấy. “Khoe” vậy để các bạn cảm nhận được chúng tớ tự hào về như thế nào về website trường mình. Ngày ấy, công nghệ thông tin trong các trường TH chưa phát triển như bây giờ đâu, thế mà thầy hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp đã đưa ra ý tưởng táo bạo về việc thành lập trang web riêng cho trường Cát Linh. Thầy tâm sự:” Thầy vẫn chưa quên những ngày đầu đầy khó khăn ấy. Do kinh phí còn hạn hẹp, trang web của nhà trường chỉ có dung lượng nhỏ nên thông tin đưa lên chỉ một hai tuần đã phải gỡ xuống( vì không còn chỗ chứa mà). Các thầy cô đã phải cố gắng rất nhiều để duy trì hoạt động của trang web”. Tới năm 2004, khi mạng In – tơ –nét trở nên phổ biến, cùng với sự giúp đỡ từ nhiều phía, trang web trường tớ đã trở nên hoàn hảo hơn với nội dung thật phong phú và thiết thực. Tại đây, các thầy cô giáo có thể chia sẻ những giáo án điện tử, những kinh nghiệm, phương pháp dạy học mới. Học sinh chúng tớ thì tìm thấy rất nhiều tại liệu học tập bổ ích. Những bài văn hay, những thành tích nổi bật của chúng tớ cũng được cập nhật thường xuyên. Bố mẹ chúng tớ nếu quan tâm đến việc học tập và sinh hoạt của con em mình chỉ cần “kích” chuột vào trang web của trường là có đầy đủ thông tin. Còn nhà trường cũng qua diễn đàn trên trang web mà nhận được nhiều đóng góp tích cực để ngày càng hoàn thiện công tác quản lý giáo dục hơn. Chả thế mà nhiều người đã gọi vui trang web của trường tớ là “Nhịp cầu sẻ chia” đấy các bạn ạ.
Trong ngày hội công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được tổ chức vào tháng 3 năm 2009, trang thông tin điện tử của trường của trường tớ đã vinh dự dành giải nhất đấy, các bạn vui cùng chúng tớ và thành tích tuyệt vời đó nhé! Còn nếu muốn ghé thăm trường tớ, xin mời các bạn hãy vào địa chỉ: http://www.catlinhschool.edu.vn
Đặng Chinh Ngọc

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Trường Tiểu học Cát Linh: Đi lên cùng công nghệ thông tin



Nhắc tới Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), những người trong ngành nghĩ ngay tới một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả và chất lượng trong dạy và học.


Trường TH Cát Linh là một trong số ít các trường tiểu học ở Hà Nội đưa công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ những việc rất nhỏ như gửi kết quả học tập của học sinh đến phụ huynh và những hoạt động mang tính sáng tạo như tạo hình ảnh trực quan trong giảng dạy. Đây được coi là một thế mạnh để khẳng định vị thế của trường trong hệ thống giáo dục tiểu học của Thủ đô, một cách làm rất cần nhân rộng.


Thầy Đỗ Quang Hợp, hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ nhiều năm trước, khi phong trào ứng dụng CNTT trong giảng dạy mới được khởi phát, nhà trường đã mở các lớp dạy tin học cho giáo viên tại trường, gửi giáo viên theo học các lớp cơ bản và nâng cao của dự án IMIH (ứng dụng CNTT trong các trường học ở Hà Nội ). Cho đến nay, 65% giáo viên trong trường đã biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, 30% giáo viên biết sử dụng phần mềm Powerpoint để soạn giáo án. 100% giáo viên biết sử dụng camera 3D, máy chiếu hắt, đầu VCD, catsette... để đổi mới dạy học. Hiện nhà trường đang thí điểm sử dụng phần mềm quản lý học sinh trên VCD, đưa lên website nhà trường để thông báo kết quả học tập cho phụ huynh và thông qua website này để khai thác triệt để các thông tin do phụ huynh, học sinh, bạn bè đồng nghiệp đóng góp nhằm điều chỉnh các hoạt động của trường đúng với nhiệm vụ năm học, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và học sinh.

Công nghệ tiên tiến của máy vi tính và máy Projector đã trở thành công cụ tạo ra hình ảnh trực quan sinh động, thực sự trở nên quen thuộc và góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến Trường Tiểu học Cát Linh học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này. Năm học này, trường tiếp tục khai thác sâu hơn nữa sức mạnh của CNTT để có được những giờ giảng chất lượng, hứng thú nhất cho học sinh, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn mọi hoạt động trong nhà trường.

Nếu nói CNTT là một bước đi đột phá, thì đội ngũ giáo viên của nhà trường, những người sử dụng công nghệ ấy chính là động lực cho sự phát triển của trường. Đúng như thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp nói: Chất lượng dạy và học của trường được giữ vững trong suốt 15 năm qua và ngày càng chuyển biến trong những năm gần đây phải kể đến công sức đóng góp của đội ngũ những nhà giáo yêu nghề, mến trẻ. Đó là các thầy, cô giáo Nguyễn Công Tân, Trần Hồng Vân, Đặng Thị Phương Dung… đã bỏ nhiều công sức để tạo nên những giờ học lôi cuốn, sáng tạo cho học sinh …



Nhà trường luôn khuyến khích học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong các giờ học, nhất là các giờ học được giảng dạy bằng giáo án điện tử, Với các em, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", được tiếp nhận những bài học mới, khám phá chân trời tri thức rộng lớn trong lời giảng và những cú nhấp "chuột" của thầy cô. Ngoài thư viện của trường, "góc thư viện" còn được triển khai tại các lớp, mỗi lớp có một ngăn sách do học sinh đóng góp, lớp tự tổ chức cho mượn, đọc rất đều đặn. Thầy Hợp khẳng định: Không chạy theo bệnh thành tích nên từ nhiều năm nay, kết quả dạy và học của nhà trường luôn được giữ vững và ngày càng vươn tới chất lượng toàn diện. Năm học này, thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa để đi lên với sự hỗ trợ đắc lực của CNTT và những nội dung, phương pháp giảng dạy mới


Vũ Minh

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Đưa "chuột" vào trường học





Đã rất nhiều lần cầm bút để viết về Thầy nhưng dường như bao nhiêu từ ngữ cũng không đủ để diễn tả được hết sự khâm phục, kính trọng, lòng biết ơn với Thầy. Sự chân thành, giản dị, nhiệt tình và niềm say mê, tâm huyết với "Nghề trồng người" toát lên từ lời nói đến tác phong cùng những việc làm cụ thể mà phải đến tận nơi, trò chuyện trực tiếp chúng tôi mới cảm nhận được hết. Đó là Thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh - Hà Nội. Xin được chia sẻ một bài viết trên báo Lao động Thủ đô viết về thầy mà chúng tôi rất tâm đắc...


Thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh - Hà Nội (Ảnh tiểu học Đằng Hải)


Trong khi hàng loạt các trang Web của nhiều trường đại học lớn, nhiều Sở GD-ĐT xây dựng xong để "đóng băng" thì Website của Trường tiểu học Cát Linh đã phát huy được sức mạnh của công nghệ thông tin trong trường học, điều mà ngành Giáo dục đang hướng tới trong năm học 2008 - 2009 trước xu thế hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước...

Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với thầy Đỗ Quang Hợp - Hiệu trường Trường TH Cát Linh (quận Đống Đa) mới thấy hết được sự lao tâm, khổ tứ và quyết tâm đưa công nghệ thông tin vào nhà trường của một nhà giáo tâm huyết với nghề. thầy say sưa nói về công nghệ thông tin, về tác dụng của nó trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường... như cái gì đó quý giá lắm, ý nghĩa lắm trong cuộc đời làm thầy của mình.

Tốt nghiệp khoa Lý, trường ĐH sư phạm Hà Nội, khoá 1979 - 1983, thầy Đỗ Quang Hợp về đầu quân dạy ở khối tiểu học. Nhiều người cho rằng thầy 'không thức thời" khi học đại học lại dạy tiểu học. Nhưng với thầy : Dạy ở đâu thì người thầy cũng cần phải có kiến thức và đạo đức để truyền đạt cho người học. Vì thế, dạy tiểu học, nhưng người thầy luôn đầu tư suy nghĩ để tìm được những cách làm mới, hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Quãng thời gian thầy về công tác tại trường tiểu học Cát Linh đã ghi dấu những cách làm đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của một nhà quản lý không bao giờ hài lòng với chính mình. Thầy nhớ lại: Năm 1998, khi tôi được điều về làm Hiệu trưởng trường TH Cát Linh, trường lớp đã ổn định, duy chỉ có thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn và đặc biệt là trường hoàn toàn trắng về công nghệ thông tin. Cả trường chưa có chiếc máy vi tính nào cả và CBGV trong trường không mấy mặn mà với lĩnh vực này, họ chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của tin học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Ban giám hiệu mua về một chiếc máy vi tính. Vừa học ,vừa làm, tôi từng bước khai thác công nghệ thông tin vào quản lý . Tôi kiên trì làm công cuộc cách mạng trong vận động CBGV nhà trường thay đổi nhận thức về công nghệ thông tin. "Mưa dầm thấm lâu", dần dần trường đã bố trí được một phòng vi tính có 16 máy để đưa vào giảng dạy môn Tin học cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Khỏi phải nói, phụ huynh học sinh và các em học sinh đã phấn khởi thế nào trước sự kiện mới lạ này của nhà tường.

Không chỉ ban giám hiệu mà CBGV trong trường cũng bị "lực hút" của công nghệ thông tin. Sức lao động bỏ ra ít hơn, hiệu quả, kế hoạch làm việc nhanh hơn, chính xác hơn đã khiến không ít ai nghĩ rằng công nghệ thông tin không cần thiết trong nhà trường.

Đến ứng dụng một cách hiệu quả

Trang bị đựơc máy móc, thầy Hợp đã ngay lập tức vừa vận động, vừa tạo điều kiện để cán bộ giáo viên trong trường được tham gia các lớp bồi dưỡng cơ bản về công nghệ thông tin. Do nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, năm 2000, trường đã nâng cấp phòng vi tính với 25 máy để đưa vào giảng dạy. Năm 2001, trong Hội thi đồ dùng dạy học của quận Đống Đa, Cát Linh xuất hiện không phải với các mô hình, đồ dùng dạy học thủ công mà là bằng phần mềm dạy học môn Toán tiểu học. "Chuyên đề " này lập tức thu hút được sự quan tâm của tất cả các trườngvà Sở GD-ĐT Hà Nội. Sau sự kiện 'đột phá" của trường TH Cát Linh, một phong trào đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã được phát động ra các trường học trong toàn quận Đống Đa... Thầy Hợp bộc bạch: Thấy việc làm của trường được đồng nghiệp đón nhận, ngành GD quan tâm, chúng tôi thấy mừng và tự nhủ phải làm tốt hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa để có thể tận dụngvà khai thác được hết các thế mạnh về CNTT trong nhà trường.

Chính bởi vậy, tháng 3/2001, website: Catlinhschool.edu.vn đã chính thức ra đời. Với sự hỗ trợ của Trung tâm mạng Bộ GD-ĐT, trang web trở nên hoàn hảo với nội dung khá phong phú và thiết thực, cung cấp những thống kê về chất lưưọng dạy và học, điểm kiểm tra định kỳ của học sinh; Giới thiệu những giáo án điện tử, sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu của giáo viên, những bài văn hay của học sinh; trao đổi về việc đổi mới phương pháp giáo dục... Từ khi có trang web, sự trao đổi và liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng tiện lợi, dễ dàng, cởi mở và thường xuyên hơn. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến Cát Linh để học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này.

Bên cạnh việc đầu tư cho trang web, thầy Hợp còn cùng Ban giám hiệu xây dựng phòng bộ môn với các phương tiện hiện đại như máy tính được nối mạng Internet và mạng LAN, máy chiếu projector, ti vi, đầu đĩa, camera 3D... Hiện nay 65% giáo viên trong trường biết sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, 30% giáo viên biết sử dụng phần mềm powerpoint để soạn giáo án, 100% giáo viên biết sử dụng Camera 3D, máy chiếu hắt... để phục vụ đổi mới dạy học. Những con chuột máy tính đã trở nên quen thuộc với cán bộ giáo viên, học sinh trường TH Cát Linh, góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường.

Năm học 2008 - 2009 được xác định là năm học CNTT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có chỉ đạo Cục CNTT cần có lộ trình cụ thể từng bậc học, để các trường tự xác định được nội dung giảng dạy tin học và ứng dụng CNTT. Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát và có kế hoạch xoá điểm trắng, vùng lõm về Internet (là những nơi đang còn rất yếu kém về ứng dụng CNTT trong ngành), cho từng cấp học, từng đối tượng, dứt điểm việc kết nối Internet ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Triển khai các phần mềm quản lý trường phổ thông và đại học. Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai ứng dụng CNTT cần gắn với việc nâng cao trình độ Tiếng Anh trong trường phổ thông.


KIỀU NGÂN (Báo Lao động Thủ đô)

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Trường Tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa: Thầy và trò cùng tiến bước



Một năm học mới lại đến với thầy và trò trường Tiểu học Cát Linh). Trời thu Hà Nội trong xanh hơn khi tiếng trống khai trường vang lên giòn giã, thúc giục thầy và trò cùng tiến bước vào năm học mới, hứa hẹn những niềm vui và những kết quả mới. Danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc mà nhà trường giữ vững trong năm học vừa qua sẽ tạo thêm sức mạnh cho sự đồng hành của thầy và trò ở tuổi 16 này.






Những người thầy yêu nghề, yêu trẻ
Nói về sự phát triển của nhà trường, thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp không giấu nổi vẻ tự hào. Thầy cho biết: Chất lượng dạy và học của trường được giữ vững trong suốt 15 năm qua và ngày càng chuyển biến trong những năm gần đây phải kể đến công sức đóng góp của đội ngũ những nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Đó là thầy giáo Nguyễn Công Tân, người đã tạo nên những giờ học Nhạc lôi cuốn HS từ những bài giảng điện tử của mình. Thầy đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi Đồ dùng dạy học (ĐDDH) tự làm của quận Đống Đa và giải Nhì (không có giải Nhất) trong hội thi GV dạy giỏi môn Âm nhạc năm học 2006 - 2007. Cô giáo Trần Hồng Vân đoạt giải nhất GV dạy giỏi cấp TP và Giải đồ dùng dạy học sáng tạo, SKKN loại B cấp Thành phố năm học 2007 - 2008. Đó là cô giáo Đặng Thị Phương Dung đoạt giải A1 ĐDDH tự làm cấp TP, Bằng Lao động sáng tạo của Liên đoàn Lao động TP, SKKN loại B TP. Còn rất nhiều gương mặt điển hình khác, góp sức vào sự phát triển của nhà trường như: Cô giáo Đặng Thị Hằng, Tổng phụ trách giỏi cấp TP; cô giáo Đỗ Kim Hiệp đoạt giải Nhì môn Tiếng Việt - Toán cấp Quận...
Sẽ không thể kể hết những gương mặt thầy cô đã có nhiều đóng góp trong hướng phát triển chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Chỉ biết rằng, trường TH Cát Linh đã tập hợp được những gương mặt ấy vào một khối thống nhất, tạo sức mạnh nội lực đào tạo ra những lớp học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn, học giỏi. Thầy Hợp nhìn nhận: Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Vì vậy, nhà trường đã rất chú trọng đến chất lượng chuyên môn và trình độ của đội ngũ CB - GV. Không chỉ trau dồi chuyên môn, các thầy cô còn rất nhiệt tình, ham học hỏi để bắt nhịp với sự phát triển của nhà trường và thời đại.
Vươn mình cùng Công nghệ thông tin
Vị thế của trường TH Cát Linh ngày một khẳng định vững chắc trong hệ thống giáo dục của Hà Nội, bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực của thầy và trò nhà trường phải kể đến việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và dạy học. Những năm gần đây nói tới TH Cát Linh là nói tới một mô hình ứng dụng CNTT hiệu quả và chất lượng trong dạy và học. Nhà trường đã mở các lớp dạy Tin học cho GV tại trường, gửi GV theo học các lớp cơ bản và nâng cao của dự án IMIH (ứng dụng CNTT trong các trường học ở Hà Nội ). Cho đến nay, 65% GV trong trường đã biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, 30% GV biết sử dụng phần mềm Powerpoint để soạn giáo án. 100% GV biết sử dụng Camera 3D, máy chiếu hắt, đầu VCD, Catsette... để phục vụ đổi mới dạy học. Hiện nhà trường đang thí điểm sử dụng phần mềm quản lý HS trên VCD, đưa lên Website nhà trường để thông báo kết quả học tập cho phụ huynh và thông qua Website này để khai thác triệt để các thông tin do phụ huynh, HS, bạn bè đồng nghiệp đóng góp nhằm điều chỉnh các hoạt động của trường đúng với nhiệm vụ năm học, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và HS.
Công nghệ tiên tiến của máy vi tính và máy Projector đã trở thành công cụ tạo ra hình ảnh trực quan sinh động, thực sự trở nên quen thuộc và góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến TH Cát Linh để học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này. Cô giáo Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, ngành Giáo dục phát động phong trào ứng dụng CNTT vào dạy học. TH Cát Linh sẽ tiếp tục khai thác hơn nữa sức mạnh của CNTT để có được những giờ giảng chất lượng nhất, hứng thú nhất cho HS, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn các hoạt động trong nhà trường.
Thành tích là của chung
Năm học 2007- 2008, toàn trường có 70% HS đạt Học lực giỏi, 99,9% HS đạt Hạnh kiểm tốt, 87,4% HS được khen thưởng về học tập và rèn luyện. Các em đã giành nhiều giải cao trong các cuộc thi Học sinh giỏi, thi Trạng nguyên nhỏ tuổi và viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” năm 2008. Bên cạnh đó, HS của trường còn đoạt nhiều giải thi đấu TDTT các bộ môn: Cờ vua, cờ tướng, cờ vây, bóng bàn, karatedo, taewondo và bơi lội.
Không chỉ tập trung vào học tập, phát huy tính tư duy, sáng tạo trong các giờ học, nhất là các giờ học được giảng dạy bằng giáo án điện tử, HS trường TH Cát Linh còn chú trọng rèn luyện nề nếp tốt, ý thức kỷ luật tốt trong suốt năm học. Noi gương sáng của các thầy cô, học trò nhà trường đã chịu khó học tập, rèn luyện. Với các em, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, được tiếp nhận những bài học mới, khám phá chân trời tri thức rộng lớn trong lời giảng và những cú nhấp “chuột” của thầy cô. Học 2 buổi/ngày, các em được học trong các lớp học đảm bảo tiêu chuẩn về bàn ghế, bảng chống lóa, đèn chiếu sáng… Thư viện, phòng đồ dùng dạy học đạt chuẩn và hoạt động liên tục. Ngoài thư viện của trường, “góc thư viện” còn được triển khai tại các lớp, mỗi lớp có một ngăn sách do HS đóng góp, lớp tự tổ chức cho mượn, đọc rất đều đặn. Những buổi chào cờ đầu tuần theo các chuyên đề đã tạo khí thế học tập suốt tuần cho các em…
Thầy Hợp khẳng định: Thành tích mà thầy và trò nhà trường đạt được là thành tích của chung tập thể. Không chạy theo bệnh thành tích nên từ nhiều năm nay, kết quả dạy và học của nhà trường luôn được giữ vững và ngày càng vươn tới chất lượng toàn diện, tạo dựng môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, xứng đáng với niềm tin của cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Bước sang tuổi 16, thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp bước vào chân trời tri thức có sự hỗ trợ đắc lực của CNTT và những nội dung, phương pháp giảng dạy mới.



Đăng lúc 20 giờ 25 phút ngày 6 tháng 4 năm 2009

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

VÀO THĂM TRANG WEB TRƯỜNG TÔI ĐI !


Tôi là Trung Kiên, anh lính mới tò te của trường TH Cát Linh (Hà Nội). Giờ tin học hôm ấy, thầy giáo thông báo một tin mới toanh: em nào muốn được trao đổi hay có bất cứ thắc mắc, tâm tư gì muốn bày tỏ trực tiếp với thầy Hiệu trưởng, hãy click chuột vào trang web trường, mục “Liên hệ” và gõ. Địa chỉ web trường mình đây : www.catlinhschool.edu.vn ồ, trường mới của mình có web, tôi thực sự bất ngờ và thích thú.
Nhưng đó chỉ là phát hiện của một anh lính mới như tôi thôi. Web trường tôi đã lên 5 năm tuổi rồi đấy.

Nơi chúng tôi, cha mẹ và nhà trường hiểu nhau

Khi đến học ở một ngôi trường, bạn chỉ biết rất chung chung rằng ngôi trường đó tốt, thầy cô dạy giỏi, tỉ lệ học sinh giỏi cao... Phải rất lâu sau, bạn và nhà trường mới có được một sự gắn bó nào đó. Nhưng vào web Cát Linh, tôi biết cả một kho thông tin bổ ích: từ sơ đồ lớp, nội quy trường, kế hoạch giảng dạy các môn, thời khóa biểu đến các chỉ tiêu phấn đấu trong năm học, kế hoạch giảng dạy các môn học... Những thông tin ấy giúp chúng tôi trở thành những học sinh chủ động, hiểu biết.

Các máy tính trong trường đã được nối mạng nên giờ tin học nào, chúng tôi cũng có một khoảnng thời gian vào thăm web trường. Chúng tôi luôn gặp những hình ảnh hoạt động của trường lớp mình được cập nhật thường xuyên. Đại hội liên đội vừa diễn ra đã có bài viết cộng với một galery ảnh. Rồi liên hoan văn nghệ chào mừng ngày giải phóng Thủ đô, rồi lễ phát động tháng an toàn giao thông, đề thi và đáp án kiểm tra chất lượng đầu năm học... Tôi vào web còn để đọc những bài văn của các bạn trong trường, xem những trang giáo án điện tử của các thầy cô giáo và nắm được một khối lượng thông tin giáo dục cực kỳ phong phú. Web trường tôi còn là nơi để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, quản lý...

Cây cầu trao đổi trực tuyến giữa phụ huynh học sinh và nhà trường luôn được thông suốt. Thầy Hiệu trưởng luôn nhận được những thông tin nóng từ phụ huynh: cổng trường ùn tắc giờ tan học do hàng quán lấn chiếm, bữa ăn trưa của nhà trường cần bớt đạm tăng rau hơn, đã có biểu hiện một cô giáo yêu cầu học sinh đi học thêm, có cô giáo chưa chú ý chăm sóc giấc ngủ trưa cho các cháu trai... Tất nhiên, ngay sau đó, thầy và ban giám hiệu có ngay biện pháp chấn chỉnh.

Người quản trị mạng rất tuyệt

Người đó chính là thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp. Từ lâu lắm rồi, thầy đã có mong muốn được áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào giảng dạy. Bằng rất nhiều nỗ lực của thầy, tháng 10-2001, web Cát Linh ra đời. Nhưng hồi ấy, dung lượng có hạn, trang web trường chỉ dừng lại ở mức độ lưu những bài văn hay, những sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô. Từ tháng 7-2005, được sự hỗ trợ của mạng Edu.net của Bộ Giáo dục, trang web của trường được thiết kế lại, không hạn chế dung lượng và thầy trực tiếp làm công việc của người quản trị mạng. Toàn bộ hệ thống máy tính trong trường đã được nối mạng nên việc trao đổi thông tin cực kỳ thuận lợi. Mỗi ngày, với sự hỗ trợ của tổ tin học, thầy dành cho web trường khoảng một giờ đồng hồ, cập nhật những thông tin giáo dục “nóng bỏng tay”. Mỗi ngày, trang web của trường có hàng nghìn khách vào thăm, thật đáng tự hào phải không? Năm 2003, trang web trường Cát Linh đã được trao tặng danh hiệu Điển hình tiên tiến về ứng dụng công nghệ thông tin.

Dự định sắp tới của người quản trị mạng trường tôi là phối hợp với Công ty Điện toán và truyền số liệu làm phần mềm quản lý học sinh và đưa điểm, giống hệ thống đưa điểm của các anh chị sinh viên đại học bây giờ. Và nữa, thầy sẽ khuyến khích học sinh trong trường sử dụng hộp thư mở nhiều hơn nữa, để thầy cô được lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ những tâm tư, nguyện vọng của học trò.

Cùng với bao nhiêu nỗ lực của các thầy cô, trang web Cát Linh đã giúp chúng tôi hiểu và yêu ngôi trường mình hơn.

MINH MINH

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Điều kỳ lạ từ Website trường học


Cách đây bốn năm, Trường Mầm non tư thục Hoa Linh (Hà Nội) đi đầu trong các trường mầm non cả nước lập trang web www.mamnonhoalinh.edu.vn. Chỉ sau đó ít lâu, Trường Tiểu học Cát Linh cũng đã cho ra đời trang web www.catlinhschool.edu.vn. Cả Hoa Linh và Cát Linh đều bất ngờ trước những hiệu quả mà trang web đã đem lại...
Bà Lê Thị Yến Bình - Hiệu trưởng Trường Hoa Linh nhớ lại: "Là trường mới (thành lập năm 2000), lại "gánh" thêm hai chữ "tư thục" nên rất ít người mặn mà bởi tâm lý các bậc phụ huynh là muốn gửi con vào trường công vì họ cho rằng ở đó hơn hẳn các trường tư thục về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy. Ban đầu tôi chỉ nghĩ để mọi người biết đến mình nhanh nhất chẳng có cách nào tốt hơn là "tiếp thị" Hoa Linh trên mạng".

Quả thật, khi tên miền của Hoa Linh xuất hiện trên internet đã gây được sự chú ý của phụ huynh. Bên cạnh giới thiệu về trường và các hoạt động, môn học ở trường, các bậc cha mẹ còn có thể tham gia vào diễn đàn trao đổi, tư vấn, nói chuyện về tâm lý trẻ em, đặt câu hỏi qua e-mail cho hiệu trưởng, nắm được nhật ký của bé. Từ đó phụ huynh đã tin tưởng gửi con đến Hoa Linh. Đến nay, Hoa Linh có hai cơ sở ở Làng quốc tế Thăng Long và Văn Miếu với gần 400 cháu. Đây là con số rất nhiều trường mầm non mơ tới. Không những vậy, qua mạng internet, nhiều tổ chức giáo dục mầm non quốc tế đã biết đến Hoa Linh, ghé thăm và tài trợ cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy cho trường.

Khác với Trường Mầm non Hoa Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh Đỗ Quang Hợp lại cho hay: "Trường tôi lập trang web với mục đích làm "kênh" giới thiệu, trao đổi hoạt động của trường với các phụ huynh, các bạn đồng nghiệp về kinh nghiệm quản lý, giảng dạy...". Tuy nhiên, hiệu quả của việc lập trang web không dừng lại ở mục đích ban đầu. Theo ông Đỗ Quang Hợp, thay đổi lớn nhất từ khi có trang web là các hoạt động của Trường Cát Linh ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Nhờ những thông tin trên trang web, kiến trúc sư trưởng dự án xây dựng phòng học đã thuyết phục thành phố cấp thêm vốn xây dựng nhà ba tầng với 15 phòng học, thay vì 8 phòng học như trong dự án. Vậy là thầy trò Trường Cát Linh vừa có sân chơi, nay lại có thêm phòng học mới. Học sinh không còn phải học lệch ca.

Phấn khởi nhất là các bậc phụ huynh, nếu như trước đây họ rất e ngại phản ánh trực tiếp những khúc mắc đến nhà trường, thì giờ đây rất đơn giản, chỉ cần viết thư, rồi gửi mail. Nhiều ý kiến của phụ huynh đóng góp rất hiệu quả như: giờ giấc, các hoạt động của nhà trường, điểm số, cách thức giảng dạy của một số giáo viên... đều được nhà trường tiếp thu và giải quyết thấu đáo.

Một điểm khác biệt giữa website này với các website của các trường học khác là cung cấp đầy đủ số điện thoại của từng giáo viên, công khai thời khóa biểu các môn học, sơ đồ lớp học, điểm số của học sinh, cũng như giới thiệu các bài văn hay, các bức tranh đoạt giải của học sinh và một kho ảnh tư liệu; từ hoạt động chính khóa đến ngoài giờ lớp học, giờ ra chơi, ăn ngủ của học sinh đều được cập nhật lên mạng... để cha mẹ tiện theo dõi. Không ít các phụ huynh đang công tác ở nước ngoài gửi thư về động viên, cảm ơn nhà trường. "Chúng tôi mong muốn, dù ở đâu, làm gì các bậc phụ huynh đều có thể yên tâm "theo dõi” việc học hành của con cái ở trường. Trang web chính là chiếc gương phản ánh trung thực nhất kết quả rèn luyện của từng học sinh, để các em soi vào mà phấn đấu vươn lên" - ông Hợp nói.

Không ít bậc phụ huynh truy cập vào trang web này đã nhận xét: "Dù mới chỉ là trang web của một trường tiểu học nhưng cách trình bày, các chuyên mục, những thông tin còn phong phú hơn rất nhiều các trường THPT hay ĐH. Thậm chí, thông tin về giáo dục của trang web này còn cập nhật hơn trang web của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cỡ... hai năm".

Để thiết kế một trang web không khó, bất cứ trường học nào cũng có thể làm được. Nhưng để nuôi nó "sống" và hoạt động thường xuyên lại phụ thuộc vào tâm huyết của ban giám hiệu. Điều này đã lý giải vì sao một số trường theo trào lưu cũng lập trang web nhưng chỉ được một thời gian đã phải đóng cửa. Kinh nghiệm của Trường Mầm non Hoa Linh và Trường Tiểu học Cát Linh cho thấy, chính đội ngũ giáo viên giảng dạy tin học sẽ là những người duy trì hoạt động của trang web. Ở Trường Cát Linh, những học sinh giỏi lớp 4-5 cũng được các thầy cô khuyến khích tham gia. Hiệu quả của việc xây dựng trang web cũng chính là tiền đề để các trường tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đưa giáo án điện tử vào giảng dạy thành công...

Thanh Niên 21/1/2005