Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Vui buồn chuyện website trường học




Giao diện website của Đại học Thủy Lợi.

Tùng, sinh viên năm cuối của một đại học quốc gia có sở thích lướt web nhưng không bao giờ ghé thăm địa chỉ của trường mình vì lý do "khó tìm thấy điều gì thú vị ở đó". Trong khi trang web của nhiều trường đại học đang chết dần thì phong trào làm website của tiểu học và THPT lại phát triển mạnh.

Hiện nay có khoảng trên 50 trường đại học có trang web riêng. Nhưng nếu thống kê những trang hoạt động hiệu quả thì con số không vượt quá 50%. Thực tế là nhiều trang web được xây dựng lên để rồi hoạt động không khác gì một tấm biển quảng cáo điện tử kém hiệu quả vì chẳng có ai buồn ngó ngàng tới. Điển hình trong số này là website của Đại học Thủy Lợi (www.hwru.edu.vn). Tại mục thông tin tuyển sinh vẫn là quy chế, nội dung thi tuyển cho năm 2003. Tại các mục giới thiệu chung, hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học công nghệ chỉ cung cấp vài dòng tin sơ sài. Phần thảo luận thì... bất động. Có lẽ phần "hấp dẫn" nhất của website này là mục tiếp xúc, trong đó có ghi đầy đủ số điện thoại của các khoa, phòng trong trường.

Hàng loạt địa chỉ khác như: www.ftu.edu.vn của Đại học Ngoại thương, www.hau.edu.vn của Đại học Kiến trúc, www.humg.edu.vn của Đại học Mỏ địa chất... đều trong tình trạng rỗng ruột hoặc thông tin quá cũ, có nhiều chuyên mục không hoạt động. "Nhiều sinh viên cũng giống tôi, thất vọng vì website của trường mình đã không giúp gì được trong việc nghiên cứu, học tập hay giao lưu, giải trí", Tùng bày tỏ.

Giao diện trang web Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong số ít trường có website hoạt động hiệu quả. Tại địa chỉ www.hus.edu.vn, lịch công tác tuần của Ban Giám hiệu được update sớm và thường xuyên. Thông tin về tuyển sinh và các hoạt động của cán bộ sinh viên nhà trường khá "nóng" và chi tiết.

Ngoài ra, một số trường đại học khác như Kinh tế quốc dân thời gian gần đây đã "chăm sóc" nhiều hơn cho trang thông tin điện tử của mình nên nội dung cũng phong phú, đa dạng hơn. Ông Trần Quang Yên, admin của trường này, cho VnExpress biết: " Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật thông tin đầy đủ về hoạt động đối nội, đối ngoại của trường, trao đổi trực tuyến, diễn đàn hay khuyến khích giới thiệu việc làm, công khai điểm cũng như đầu tư nội dung và hình thức tốt hơn để được nhiều người quan tâm".
Nổi lên trong số những trường THPT có website hoạt động mạnh là Chu Văn An (www.chuvanan.org) và Amstecdam (www.hn-ams.org). Ưu điểm của hai trang này là thông tin phong phú, được cập nhật thường xuyên. Site của trường Chu Văn An còn được thay đổi giao diện liên tục. Nhiều đề tài được các học sinh trong trường bàn luận rất sôi nổi trên diễn đàn càng tăng thêm sức hấp dẫn của trang web.


Giao diện trang web trường tiểu học Cát Linh.

Bên cạnh đó, website của trường tiểu học Cát Linh cũng hoạt động khá hiệu quả, cung cấp thông tin về từng học sinh của trường. Tại www.catlinhschool.edu.vn, những thông tin mới nhất về nhà trường và thông báo của thầy cô với cha mẹ học sinh cũng được đăng tải thường xuyên. Khác với trang web của những trường khác, site này chủ yếu phục vụ cha mẹ học sinh. Các bậc phụ huynh có thể theo dõi tình hình học tập và sinh hoạt tại trường của con em mình ngay trên website này.

Thầy Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ý tưởng làm website xuất phát từ mong muốn có thêm nhiều đồng nghiệp, phụ huynh và những người khác biết về hoạt động của nhà trường để có thể trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và cũng muốn có sự liên hệ chặt chẽ hơn đối với phụ huynh học sinh.

Trường Cát Linh đã thuê nhà thiết kế và đường truyền với giá gần 6 triệu đồng. Đến nay, ngoài khoản thuê bao đường truyền khoảng 3,4 triệu đồng/năm thì không phải mất kinh phí duy trì nào vì tin bài hầu hết do đích thân thầy hiệu trưởng duyệt rồi tự đưa lên mạng vào những lúc ngoài giờ làm việc, hoặc do một số thầy cô phụ trách môn tin học đảm nhiệm việc đánh máy và đưa lên. Hoạt động từ tháng 10/2001 đến nay, trang web của tiểu học Cát Linh có hơn 39.000 lượt người truy cập và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và phụ huynh. Điểm nổi bật của site này là rất chú trọng đến những bản tin giáo dục trên các báo khác để biên tập lại và đăng trên trang. Thầy Hợp cũng cho biết nhà trường đã có máy ảnh số nên hứa hẹn sẽ có nhiều hình ảnh đẹp hơn.
Xuân Kim

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Hình ảnh học sinh trường tiểu học Cát Linh tham gia giải toán trên Internet



Hưởng ứng cuộc thi giải toán trên mạng Internet do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động, trường tiểu học Cát Linh đã tổ chức nhiều buổi thi cho học sinh khối 3,4&5 tại phòng Tin học của trường; Động viên các em học sinh từ khối 1 đến khối 5 vào mạng dự thi tại gia đình nếu có điều kiện. Đây là một sân chơi phát huy được tính tự giác, nhanh nhẹn và rèn luyện kĩ năng giải toán cho học học sinh...

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Trường tiểu học Cát Linh - Hà Nội:Nơi “châm ngòi” ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở cấp tiểu học


Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trong khi đến nay cái tên như “Power Point” còn bỡ ngỡ với nhiều giáo viên thì ngay từ năm 2001, Trường tiểu học Cát Linh đã mạnh dạn xây dựng một số tiết học dùng phần mềm trình chiếu này để đưa vào giảng dạy. Đây thực sự là một sự kiện góp phần “châm ngòi” cho phong trào ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy ở cấp tiểu học của thành phố Hà Nội.

Sau “chuyện lạ” đó, cấp lãnh đạo Phòng giáo dục Quận Đống Đa nhận thấy đây là một vấn đề mới mẻ, thiết thực và hiệu qủa nên đã “triệu tập” cuộc thảo luận gồm một số trường tiểu học ở khối chuyên và không chuyên, có cả trường thuộc khối trung học phổ thông, để “xem” và học tập việc ứng dụng mà trường Cát Linh đã làm. Vậy là ngay sau đó, một phong trào đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy đã được phát động ra các trường học toàn quận.

Kể từ thời gian năm 2001 đến nay, Ban giám hiệu nhà trường luôn có sự quan tâm và chú trọng đúng mức trong việc trang bị máy tính, phòng máy, nâng cao và khuyến khích đội ngũ giáo viên ngày một tiếp cận với công nghệ mới được nhiều hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã có website riêng (www.catlinhschool.edu.vn ), có phòng Bộ môn được đầu tư nhiều phương tiện hiện đại như máy tính được nối mạng Internet qua đường truyền ADSL 24/24 giờ, tivi 29 inch, đầu đĩa DVD, camera 3D, máy chiếu (projector)… và phòng máy tính 25 chiếc có cấu hình cao.

Với tập thể đội ngũ giáo viên gồm 48 người trong biên chế, 5 giáo viên hợp đồng, trường tiểu học Cát Linh có khoảng 15 giáo viên biết sử dụng thành thạo phần mềm Power Point, soạn giáo án điện tử. Năm 2004, trường Cát Linh đã đạt giải A2 cấp thành phố với việc ứng dụng phần mềm Flash FX 200 làm giáo cụ phục vụ giảng dạy môn Tự nhiên và xã hội lớp 3, phần học “Mặt trời và trái đất”.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, các môn như toán, tự nhiên và xã hội… cũng đã được các giáo viên ứng dụng với phần mềm Power Point rất phổ biến, riêng với các môn tiếng Anh, nhạc, họa và tin học thì việc ứng dụng là gần như thường xuyên với các giờ học.

Hiện nay nhà trường cũng đã đưa vào giảng dạy môn tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 với số lượng hai tiết học mỗi tuần; theo đó, thời gian học lý thuyết chiếm từ 20 – 30 phút trong 40 phút của mỗi tiết.

Công nghệ tiên tiến của máy vi tính và chiếc máy chiếu Projector đã trở thành công cụ tạo ra hình ảnh trực quan và sinh động, thực sự đã trở nên quen thuộc và góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò trường tiểu học Cát Linh. Ví dụ như với môn học Tự nhiên và Xã hội, ở các trường tiểu học chưa được ứng dụng CNTT thì hình ảnh như cây cỏ, động vật thường là hình ảnh tĩnh, màu đen trắng và rất nhỏ thường được giáo viên khai thác từ trong sách giáo khoa; thế nhưng, với công nghệ mới, giáo viên chỉ cần dùng máy chiếu vào màn hình chuyên dụng là hình ảnh màu 3D rực rỡ, sống động với âm thanh ngộ nghĩnh, con vật có thể chạy nhảy sẽ làm cho các em hào hứng và tiếp thu bài học tốt hơn, việc lên lớp của người giáo viên vì thế cũng “nhàn” và đạt hiệu qủa cao hơn.

Để có được những bước đi tiến bộ như vậy là cả một sự cố gắng và nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ giáo viên trường tiểu học Cát Linh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh còn tồn tại nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận với CNTT của người giáo viên. Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp cho biết, do vấn đề xã hội hoá CNTT chưa cao theo mặt bằng chung cả nước, CNTT vẫn còn là một sự mới mẻ đối với đa phần người giáo viên cho nên trình độ sử dụng máy vi tính của một số giáo viên của trường còn hạn chế, kể cả việc không biết sử dụng mạng Internet để khai thác thông tin. Vì vậy trong thời gian tiếp theo, cùng với cả nước, trường tiểu học Cát Linh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, để trường phát triển và theo kịp với xu thế chung của xã hội mới ./.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Trường tiểu học đầu tiên mở trang web


(NLĐ)-Trường Tiểu học Cát Linh, 31 A Cát Linh, Đống Đa - Hà Nội, vừa đưa lên mạng Internet trang web riêng của trường tại địa chỉ: http://www.catlinhschool.edu.vn.
Trang web gồm ba phần: giới thiệu về nhà trường, tin mới và liên hệ. Qua trang web, các bậc phụ huynh có thể ngồi nhà theo dõi hoạt động giảng dạy của trường, hỏi thăm tình hình học tập của con em mình, đóng góp ý kiến xây dựng trường. Trường Tiểu học Cát Linh hiện có 32 lớp, 1.653 học sinh, trong đó có 1.010 em học 2 buổi/ngày. Tất cả học sinh đều được học ngoại ngữ và tin học. Trường có 70 cán bộ, giáo viên, trong đó trên 80% có trình độ CĐ, ĐH. Trường được chọn tham gia dự án “Quản lý trường học HRCTEM-VVOB” và “Sân chơi trường tiểu học” của Bộ GD-ĐT.
Q.A

Trường tiểu học đầu tiên lập trang web phục vụ giảng dạy


Con số gần 8.000 lượt người truy cập vào địa chỉ http://www.catlinhschool.edu.vn chưa thể phản ánh hết ý nghĩa của việc lần đầu tiên có một trường tiểu học thiết kế website riêng. Hơn 1 năm qua, trang web này đã góp phần không nhỏ trong việc dạy và học của trường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội).

Là một người thích ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Quang Hợp không ngại ngần khi quyết tâm thực hiện một trang web riêng của trường. Mọi việc từ tìm xử lý thông tin, phác thảo kế hoạch đến tải thông tin, hình ảnh… đều do một tay ông thực hiện. Ông thừa nhận: “Lúc đầu chúng tôi chỉ muốn quảng bá hoạt động của trường để đưa hình ảnh trường Cát Linh đến với mọi người”.

Kết quả của sự nỗ lực và những đóng góp đó là tới nay, ngoài trang chủ, website còn có ba trang thông tin chính: giới thiệu, tin mới và liên hệ.

Vào phần "Giới thiệu", người truy cập có được gần như đầy đủ những thông tin về trường, từ tổng số học sinh, tỷ lệ phân loại, số giáo viên, trình độ giáo viên… đến địa chỉ liên hệ của từng người trong ban giám hiệu. Nhiều giáo viên, phụ huynh tỏ ra rất thích thú khi tìm thấy những bài văn xuất sắc của học sinh, những sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy cấp thành phố của giáo viên. Trong đó có sáng kiến về đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, biện pháp chống học vẹt, cải tiến sinh hoạt lớp…

Ngoài ra, còn có những giáo án điện tử môn tiếng Anh và môn toán được soạn dựa trên sự hỗ trợ của phần mềm PowerPoint. Giáo án được cụ thể hoá trong từng tiết dạy, ngày dạy cho từng môn học của các lớp từ 1 đến 5, tạo ra một phương pháp giảng dạy nhất quán và khoa học cho toàn bộ giáo viên trong trường. Những giáo án này đã được thầy và trò của trường sử dụng từ năm học 2001-2002. Một số trường tiểu học khác đã liên hệ để tìm hiểu và học tập phương pháp trên của trường Cát Linh.

Mục “Tin tức” luôn có những thông tin mới nhất về các hoạt động của trường. Phụ huynh học sinh không phải mất nhiều thời gian để biết thời khoá biểu, phạm vi ôn thi học kỳ I… của con em mình. Đặc biệt, những tin giáo dục quan trọng như các chủ trương của ngành, nội dung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới… đều được cập nhật. Hằng ngày, những thông tin ấy được chuyển đến toàn bộ giáo viên của trường qua màn hình đặt tại văn phòng.

Ông Hợp cho biết hiện nay, trang web sử dụng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Ông còn có tham vọng mở rộng nội dung website, đưa hầu hết thông tin về điểm số, đánh giá học sinh lên mạng để phụ huynh có thể nắm bắt một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất tình hình học tập của con em mình.



Theo VnExpress

Khi trường em lên mạng



“Hồi tôi còn bé, mẹ thường hay trêu tôi: “Bé Ly nhà ta thế mà sắp đi học rồi đấy!”. Tôi nhõng nhẽo: ứ ừ, con ở nhà với mẹ cơ! Thế rồi một ngày, mẹ đèo tôi đến trường Cát Linh, xin cho tôi vào học. Rồi ngày khai giảng đã tới, tôi chững chạc trong bộ quần áo mới với ý nghĩ: Mình đã là người lớn!. Đó là những dòng cảm xúc học trò hồn nhiên, chân thật như vậy của em Nguyễn Hải Ly mà chúng tôi được đọc trên website của trường tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
CNTT đi vào các hoạt động nhà trường
Tháng 11- 2001, trường Tiểu học Cát Linh là trường đầu tiên trên cả nước đã tự bỏ kinh phí lập website phục vụ công tác dạy và học. từ đó đến nay, website www.Catlinhschool.edu.vn đã thu hút hàng vạn lượt người truy cập và tạo được hiệu quả tác dụng lớn lao. Nội dung có trên website hoàn toàn các thầy cô giáo trong trường xây dựng và cập nhật. cùng với các thầy cô giáo, các em học sinh của trường cũng góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của website, qua những sáng tác văn thơ, tranh vẽ, bài văn hồn nhiên, trong trẻo...
Website được phân theo phần nội dung chính gồm phần giới thiệu về hoạt động của trường, phần liên hệ của người truy cập với nhà trường và phần thông tin mới. Phàn “Giới thiệu” có đầy đủ các thông tin về trường như tổng số học sinh, tỷ lệ phân loại, số giáo viên, địa chỉ, điện thoại liên lạc...; Có mục “Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy”, gồm những bài viết về sáng kiến, kinh nghiệm trong giảng dạy của các giáo viên, hay các mục giới thiệu những bài văn hay của các em học sinh, mục giới thiệu một số giáo án sử dụng hỗ trợ phần mềm Power Point và các đĩa CD trong sử dụng... Phần “Liên hệ” được bắt đầu với dòng chữ thật dễ mến: “Xin cảm ơn các bạn đã vào trang web của trường chúng tôi, và đây là lúc bạn có thể nói được những suy nghĩ của mình”. Qua phần này, nhà trường giáo viên và các phụ huynh cũng như bạn đọc trang web có thể trao đổi, tâm sự với nhau nhiều điều về ngôi trường, về các hoạt động của nhà trường, về những điều, những mối quan tâm của phụ huynh về con em mình, và cả những ý kiến góp ý để xây dựng website ngày càng tốt hơn... Phần “tin mới” thường xuyên giới thiệu các hình ảnh và thông tin về hoạt động của nhà trường, các thành tích của giáo viên và thành tích học tập, sinh hoạt văn nghệ... của các học sinh tiêu biểu.
Từ khi website của trường được trình làng cũng là lúc có nhiều sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, học tập cũng như quản lí tại trường Cát Linh. Từ đó Internet thực sự trở thành chiếc cầu nối thông tin quan trọng giữa giáo viên và Ban Giám hiệu, giữa phụ huynh và nhà trường. Với 4 máy tính nối mạng, được trang bị cho Ban Giám hiệu, văn phòng và kế toán, công tác quản lí của nhà trường thực sự thay đổi so với những năm trước. Việc theo dõi sĩ số, theo dõi quỹ tiền mặt, các khoản chi tiêu cho khối học bán trú, theo dõi thi đua, lập kế hoạch... đều được máy tính hỗ trợ, nhờ đó Hiệu trưởng có thể quán xuyến công việc hiệu quả. Kho cơ sở dữ liệu giáo án, tài liệu tham khảo, bài giảng mẫu được đưa lên website để tất cả giáo viên tham khảo, nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Trong năm học 2001 - 2002, trường Cát Linh đã thí nghiệm sử dụng phần mềm Power Point hỗ trợ dạy toán, bài “Phép cộng trong phạm vi 100”, đã mang lại hiệu quả, học sinh tiếp thu bài hào hứng và hầu hết đều thích thú với việc học toán hỗ trợ của máy tính. Môn học tiếng Anh của trường cũng được vận dụng các giáo án điện tử cho một số tiết học. Do chưa có một phòng máy học tiếng Anh riêng, trường đã dành phòng họp Giám hiệu để học sinh được học tiếng Anh qua máy tính.
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Đỗ Quang Hợp cho biết: “Hàng năm, có rất nhiều kinh nghiệm, sáng kiến giảng dạy cấp thành phố được các thầy cô giáo tâm huyết đưa ra, chúng tôi nảy ra ý định đưa lên mạng để mọi người tham khảo, có vậy các kinh nghiệm qúy báu mới trở nên có ích, trở thành những kho cơ sở dữ liệu quý báu phục vụ công tác giảng dạy”. Không chỉ có các giáo viên quan tâm truy cập vào những chuyên mục này, nhiều phụ huynh học sinh cũng rất tâm đắc khi được tham khảo những vấn đề thiết thực được website đề cập khá tỉ mỉ như: Kinh nghiệm rèn chữ cho học sinh lớp 1; Một số biện pháp chống học vẹt cho học sinh; Phương pháp giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt...những tâm sự, những bài văn hay tranh vẽ của học sinh được tải lên website đã khiến cho các em rất vui, kích thích niềm say mê học tập, khám phá cho tất cả học sinh trong trường.
Nói về vai trò của việc ứng dụng công cụ CNTT trong dạy và học, cô giáo Hoàng Ngọc Hạnh cho biết: Những giờ ngoại ngữ có hỗ trợ của máy tính bao giờ cũng tạo nên không khí học tập phấn khởi cho học sinh. Điều này cũng được thể hiện qua lời tâm sự của em Đinh Tiến Đạt, học sinh lớp 3A: “Học tiếng Anh với máy vi tính thích hơn học trên lớp. Em thấy học thuộc từ mới và các bài hội thoại nhanh hơn, có thể thuộc bài ngay trên lớp. Ngoài ra chúng em còn được học tiếng Anh qua trò chơi xếp chữ, được học các bài hát qua máy tính”.
Gần đây, do việc trao đổi thông tin giáo dục mở rộng, website trường Cát Linh đã có thêm phần giới thiệu bằng tiếng Anh, thu hút nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài truy cập vào tham quan, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và giới thiệu nhiều phần mềm dạy học tiên tiến.
Cầu nối: giáo viên - phụ huynh - nhà trường
Website trường Cát Linh đã đón nhận hàng ngàn lượt truy cập của các phụ huuynh. Qua truy cập web site, các phụ huynh học sinh của nhà trường đều có thể nắm được ngay những hoạt động giáo dục của nhà trường đồng thời có thể liên lạc để biết kết quả học tập của con em mình qua một mã số riêng của mỗi học sinh. Các phụ huynh còn có thể tải về để kiểm tra các môn học theo định kì để phụ huynh học sinh tham khảo, hướng dẫn cho con học. Có nhiều phụ huynh đã gửi email đến bày tỏ sự vui mừng khi trường xây dựng và vận hành được một website bổ ích. Bà Bùi Thị Lan đã gửi email như sau: “Tôi thường xuyên vào trang web của trường Tiểu học Cát Linh để tải những bài văn haycủa các em học sinh lớp 5 để làm bài mẫu cho con tôi học tập. Những bài văn, những đoạn cảm xúc của các em không dập mẫu, không khuôn sáo như các bài in trong các sách hướng dẫn khác nên đã giúp con tôi có được những gợi ý tốt khi tập làm văn.” Còn anh Hoàng Minh Anh, một phụ huynh học sinh của trường đã tâm sự rằng: “Nhờ đọc các trang web trong website trường Cát Linh, tôi đã có được những kinh nghiệm để phụ đạo cho con về tư thế ngồi khi viết tập, cách viết bảng, trên vở, cách đánh vần...
Chỉ với kinh phí xây dựng website 5,8 triệu đồng và chi phí vận hành trung bình 1 triệu đồng/tháng, mà hiệu quả mang đến từ website trường tiểu học Cát Linh mang đến là rất lớn. Hơn một năm hoạt động, website luôn được thể hiện một cách sống động, thông tin được cập nhật thường xuyên, vì vậy đã thuh hút hàng vạn người tuy cập và thực sự trợ giúp cho các giáo viên, học sinh, phụ huynh khắp mọi miền tìm hiểu thêm những kinh nghiệm quí báu trontg giảng dạy và trong học tập. Hiện nay Ban Giám hiệu trường Cát Linh đang tìm nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống máy chủ, mạng, tiếp tục cải tiến website để tiếp tục phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường tốt hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giáo dục ngày càng sâu rộng của các bạn đọc website và xây dựng một kho dữ liệu phong phú về các giáo án, tài liệu, phần mềm dạy học, kinh nghiệm giáo dục hay cho mọi người quan tâm truy cập tìm hiểu, học hỏi./

Hà Ngọc Thanh


Trường Tiều Học Cát Linh - Hà Nội đón nhận danh hiệu
Đơn vị điển hình ứng dụng CNTT

(Tin từ website của Trường Tiểu Học Cát Linh http://www.catlinhschool.edu.vn )

Chiều thứ sáu ngày 16/5/2003, lể đón nhận danh hiệu Đơn vị điển hình ứng dụng CNTT do Báo Sài gòn Giải phóng và Hội Tin học TP.HCM trao tặng đã được tổ chức trọng thể tại phòng Hội đồng giáo dục của trường tiểu ọc Cát Linh.

Buổi lễ đã vinh dự được đón các vị khách quý:TS Nguyễn Trọng- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo CNTT Quốc gia. Thạc sỹ Nguyễn Hữu Độ-Trưởng phòng GD&ĐT Đống Đa. Nhà báo Hà Ngọc Thanh- phóng viên thường trú của báo SGGP tại Hà Nội.

Báo SGGP và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh đã gửi những lẵng hoa tươi thắm ra chúc mừng sự kiện đáng ghi nhớ của nhà trường.

Trường tiểu học Cát Linh là 1 trong 11 đơn vị được tặng Danh hiêu đơn vị điển hình ứng dụng CNTT và bài báo : " Khi trường em lên mạng " của nhà báo Hà Ngọc Thanh viết về việc Ứng dụng CNTT trong giảng dạy của trường được giải Khuyến khích đợt này.

Trường Tiểu học Cát Linh: Đi lên cùng công nghệ thông tin


Nhắc tới Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), những người trong ngành nghĩ ngay tới một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả và chất lượng trong dạy và học.
Trường TH Cát Linh là một trong số ít các trường tiểu học ở Hà Nội đưa công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ những việc rất nhỏ như gửi kết quả học tập của học sinh đến phụ huynh và những hoạt động mang tính sáng tạo như tạo hình ảnh trực quan trong giảng dạy. Đây được coi là một thế mạnh để khẳng định vị thế của trường trong hệ thống giáo dục tiểu học của Thủ đô, một cách làm rất cần nhân rộng.
Thầy Đỗ Quang Hợp, hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ nhiều năm trước, khi phong trào ứng dụng CNTT trong giảng dạy mới được khởi phát, nhà trường đã mở các lớp dạy tin học cho giáo viên tại trường, gửi giáo viên theo học các lớp cơ bản và nâng cao của dự án IMIH (ứng dụng CNTT trong các trường học ở Hà Nội ). Cho đến nay, 65% giáo viên trong trường đã biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, 30% giáo viên biết sử dụng phần mềm Powerpoint để soạn giáo án. 100 % giáo viên biết sử dụng camera 3D, máy chiếu hắt, đầu VCD, catsette... để đổi mới dạy học. Hiện nhà trường đang thí điểm sử dụng phần mềm quản lý học sinh trên VCD, đưa lên website nhà trường để thông báo kết quả học tập cho phụ huynh và thông qua website này để khai thác triệt để các thông tin do phụ huynh, học sinh, bạn bè đồng nghiệp đóng góp nhằm điều chỉnh các hoạt động của trường đúng với nhiệm vụ năm học, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và học sinh.

Công nghệ tiên tiến của máy vi tính và máy Projector đã trở thành công cụ tạo ra hình ảnh trực quan sinh động, thực sự trở nên quen thuộc và góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến Trường Tiểu học Cát Linh học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này. Năm học này, trường tiếp tục khai thác sâu hơn nữa sức mạnh của CNTT để có được những giờ giảng chất lượng, hứng thú nhất cho học sinh, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn mọi hoạt động trong nhà trường.

Nếu nói CNTT là một bước đi đột phá, thì đội ngũ giáo viên của nhà trường, những người sử dụng công nghệ ấy chính là động lực cho sự phát triển của trường. Đúng như thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp nói: Chất lượng dạy và học của trường được giữ vững trong suốt 15 năm qua và ngày càng chuyển biến trong những năm gần đây phải kể đến công sức đóng góp của đội ngũ những nhà giáo yêu nghề, mến trẻ. Đó là các thầy, cô giáo Nguyễn Công Tân, Trần Hồng Vân, Đặng Thị Phương Dung… đã bỏ nhiều công sức để tạo nên những giờ học lôi cuốn, sáng tạo cho học sinh …

Nhà trường luôn khuyến khích học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong các giờ học, nhất là các giờ học được giảng dạy bằng giáo án điện tử, Với các em, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", được tiếp nhận những bài học mới, khám phá chân trời tri thức rộng lớn trong lời giảng và những cú nhấp "chuột" của thầy cô. Ngoài thư viện của trường, "góc thư viện" còn được triển khai tại các lớp, mỗi lớp có một ngăn sách do học sinh đóng góp, lớp tự tổ chức cho mượn, đọc rất đều đặn. Thầy Hợp khẳng định: Không chạy theo bệnh thành tích nên từ nhiều năm nay, kết quả dạy và học của nhà trường luôn được giữ vững và ngày càng vươn tới chất lượng toàn diện. Năm học này, thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa để đi lên với sự hỗ trợ đắc lực của CNTT và những nội dung, phương pháp giảng dạy mới.

Theo Giáo dục và Thời đại